Những nái cao sản hiện nay phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm khả năng mắc chứng loạn khuẩn đường ruột (dysbiosis) và stress oxy hóa, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe của nái cũng như tỷ lệ sống sót của heo con. Dinh dưỡng đóng vai trò then chốt trong việc giảm thiểu các tác động này, và probiotic đang nổi lên như một công cụ hiệu quả nhằm nâng cao sức khỏe đường ruột, khả năng miễn dịch và năng suất tổng thể.
Mục tiêu: Nghiên cứu này nhằm đánh giá tiềm năng của một probiotic chứa Bacillus subtilis và Bacillus amyloliquefaciens như một chất phụ gia thức ăn cho nái trong suốt thời kỳ mang thai và cho con bú.

Phương pháp: Tổng cộng 584 nái được đưa vào thử nghiệm và chia thành hai nhóm: một nhóm được cho ăn khẩu phần tiêu chuẩn, và nhóm còn lại được bổ sung 400 g/ tấn thức ăn probiotic. Nái được nuôi theo chương trình dinh dưỡng có cấu trúc gồm ba giai đoạn: đầu giai đoạn mang thai (ngày 1–28), giữa đến cuối giai đoạn mang thai (ngày 29–90), và giai đoạn trước khi đẻ và cho con bú (ngày 91–115). Các chỉ số được theo dõi gồm lượng thức ăn tiêu thụ, trọng lượng cơ thể và độ dày mỡ lưng của nái; heo con được cân lúc sinh và lúc cai sữa. Ngoài ra, nhiều chỉ số về sức khỏe và miễn dịch cũng được kiểm tra như: điểm phân, nồng độ cortisol trong nước bọt của nái, nồng độ globulin miễn dịch (Ig) trong máu và sữa đầu. Ở heo con, các chỉ tiêu về cấu trúc mô hồi tràng (ileal histomorphometry), số lượng vi khuẩn và hoạt tính myeloperoxidase trong phân được đánh giá nhằm phản ánh sức khỏe đường ruột và đáp ứng miễn dịch.
Kết quả: Những nái được bổ sung probiotic bị sụt cân nhiều hơn trong giai đoạn cho con bú nhưng lại tiết nhiều sữa hơn. Không có sự khác biệt đáng kể về độ dày mỡ lưng, lượng ăn vào hay các chỉ số sinh sản giữa hai nhóm. Tuy nhiên, heo con từ nái ăn probiotic có thời gian bú mẹ dài hơn, trọng lượng cai sữa cao hơn và ít phải dùng thuốc điều trị hơn. Tỷ lệ chết do bị đè cũng thấp hơn ở nhóm dùng probiotic. Nồng độ cortisol trong nước bọt của nái cao hơn trước khi sinh nhưng lại thấp hơn sau khi sinh ở nhóm được bổ sung probiotic, cho thấy mức độ stress được giảm sau sinh. Dù nồng độ Ig trong sữa đầu và huyết thanh không có sự khác biệt đáng kể, nhóm nái dùng probiotic cho thấy số lượng Bacillus sp. trong phân cao hơn. Heo con của chúng có sức khỏe đường ruột cải thiện rõ rệt với số lượng vi khuẩn gây bệnh thấp hơn và hoạt tính myeloperoxidase cao hơn vào ngày thứ 17 sau sinh.
Kết luận: Việc bổ sung chế phẩm probiotic này vào khẩu phần ăn của nái mang lại nhiều lợi ích rõ rệt cho cả năng suất sinh sản của nái và sức khỏe heo con, khẳng định đây là một chiến lược dinh dưỡng có giá trị trong ngành chăn nuôi heo hiện đại.
Barbosa AMS, Carvalho MPS, Naves LP, da Motta SAB, Chaves RF, Resende M, Lima D, Hansen LHB, Cantarelli VS. Performance and Health Parameters of Sows and Their Litters Using a Probiotic Supplement Composed of Bacillus subtilis 541 and Bacillus amyloliquefaciens 516. Animals (Basel). 2024;14(23):3511. doi: 10.3390/ani14233511.