Chỉ số giá ngũ cốc của FAO đạt trung bình 111,0 điểm vào tháng 4, tăng 1,3 điểm (1,2%) so với tháng 3 nhưng vẫn thấp hơn 0,6 điểm (0,5%) so với mức cùng kỳ năm trước. Mức tăng hàng tháng phản ánh sự tăng giá ở tất cả các loại ngũ cốc chính.

Giá lúa mì toàn cầu tăng nhẹ, được hỗ trợ bởi nguồn cung xuất khẩu thu hẹp từ Liên bang Nga, tốc độ xuất khẩu ổn định từ một số quốc gia xuất khẩu lớn, cùng với biến động tỷ giá – đặc biệt là sự suy yếu của đồng đô la Mỹ so với đồng euro.
Tuy nhiên, các diễn biến liên quan đến chính sách thương mại và những bất ổn kinh tế vĩ mô đã hạn chế đà tăng giá.

Giá ngô quốc tế cũng tăng, chủ yếu do tồn kho theo mùa giảm tại Hoa Kỳ và ảnh hưởng từ biến động tỷ giá.
Việc điều chỉnh chính sách thuế nhập khẩu của Hoa Kỳ – bao gồm miễn trừ cho Mexico (quốc gia nhập khẩu ngô lớn nhất từ Mỹ) và tạm dừng 90 ngày áp thuế nhập khẩu trên 10% đối với một số đối tác thương mại khác – cũng góp phần tạo thêm áp lực tăng giá.
Đối với các loại ngũ cốc thô khác, giá cao lương và lúa mạch trên thị trường thế giới cũng ghi nhận mức tăng.
Trong khi đó, Chỉ số Giá Gạo Toàn cầu của FAO tăng 0,8% trong tháng 4, do nhu cầu đối với các giống gạo thơm tăng mạnh, trong khi nguồn cung từ vụ thu hoạch mới ở Việt Nam giảm dần khi mùa thu hoạch chính của cả nước bước vào giai đoạn cuối.
Ngày 2 tháng 5, 2025/ FAO.
https://www.fao.org