X
XLinkedinWhatsAppTelegramTelegram
0
Đọc bài báo này bằng:

Chăn nuôi heo đa điểm: đánh giá tác động sau 25 năm thực hiện

Sự phát triển của chăn nuôi heo đa điểm trong 25 năm qua đã không đúng với mục đích ban đầu của nó.

Năm 1999, Hank và Isabel Harris đã viết hai bài báo về chăn nuôi heo đa điểm cho 333. Để kỷ niệm 25 năm thành lập 333, chúng tôi đã đề nghị Hank Harris cập nhật những bài báo này.

Khu cai sữa riêng biệt và khu xuất chuồng tách biệt ở các vị trí địa lý khác nhau là cơ sở để tạo ra hệ thống chăn nuôi heo đa điểm (Harris 1988, 2000). Các nghiên cứu ban đầu được thực hiện vào năm 1987 cho thấy rằng việc cai sữa heo con lúc 10 ngày tuổi từ một trang trại có tình trạng sức khỏe cao đã mang lại năng suất được cải thiện hơn so với những con heo cùng lứa còn lại ở trang trại nguồn từ khi đẻ đến xuất chuồng. Điều này sau đó cũng đã được xác nhận bởi các tác giả khác.

Trang trại đa điểm đầu tiên được thành lập vào năm 1988 bởi Chuck Sand gần Columbus, NE, Hoa Kỳ để nhân giống heo. 3 địa điểm (Sinh sản/ Mang thai, Cai sữa và Xuất chuồng) được đặt cách xa ít nhất hai dặm giữa các điểm và với các trang trại heo khác (Harris 2000). Việc loại bỏ các tác nhân truyền nhiễm bằng cách cai sữa tách biệt và duy trì tình trạng sức khỏe cao của heo xuyên suốt từ cai sữa đến xuất chuồng là những lợi thế được coi là cần thiết để sản xuất đàn giống thành công. Trong mười năm tiếp theo, đã có sự chấp nhận và triển khai rất nhiều các hệ thống đa điểm ở Bắc Mỹ và trên toàn thế giới (Chile, Mexico 1990), (Canada, 1992), (Argentina 1993), (Brazil, Đức, 1994), (Đan Mạch, Ba Lan, Tây Ban Nha, Ý 1996), (Anh, Trung Quốc, Pháp 1997) và (Scotland, 1998).

Các nguyên tắc ban đầu của việc chăn nuôi đa điểm có được giữ vững không?

Thật không may, nhiều hệ thống đa điểm hiện đã được xây dựng mà không có sự tách biệt thích hợp giữa các điểm và cách xa các trang trại heo khác (Hình 1 từ Passafaro và cộng sự, 2020). Theo tài liệu của một số tác giả, cả việc truyền qua khí dung và vận chuyển heo giữa các điểm đều góp phần gây khó khăn trong việc phòng ngừa và kiểm soát các bệnh truyền nhiễm trong các hệ thống đa điểm.

Khi các hệ thống chăn nuôi tăng quy mô, những thay đổi về quản lý đã được thực hiện, đặc biệt là việc quản lý dòng chu chuyển heo. Ban đầu, mục đích là để các chuồng cai sữa được nhập đàn trên cơ sở cùng vào cùng ra từ một hoặc hai trại nái để sản xuất heo giống. Một lần nữa, sự thỏa hiệp đã được thực hiện trong nhiều hệ thống dẫn đến trại nhập nhiều nguồn heo cả heo đã cai sữa và cai sữa đến chuồng trên cơ sở chăn nuôi liên tục.

Do mất đi sự tuân thủ nghiêm ngặt về mặt cách ly địa lý kết hợp với khái niệm về dòng chu chuyển heo kém, các lợi ích về loại bỏ nguồn lây nhiễm và kiểm soát dịch bệnh được hình dung từ ban đầu cho việc chăn nuôi đa điểm thường bị mất đi.

Mặc dù việc triển khai các hệ thống đa điểm chưa được thực hiện theo ý định ban đầu, sản lượng thịt heo trên mỗi nái ở Hoa Kỳ vẫn tiếp tục tăng với tốc độ khoảng 1,9% mỗi năm (Tokach 2016).

Vai trò của chăn nuôi heo đa điểm trong việc loại bỏ tác nhân truyền nhiễm

Virus gây Hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản ở heo (PRRSV) được mô tả lần đầu tiên vào những năm 1980. Các kỹ thuật đã được phát triển bằng cách sử dụng hệ thống chăn nuôi heo đa điểm tạo ra những con heo âm tính với virus PRRS để cung cấp cho các trang trại không có virus (Donadeu và cộng sự 1999; Gramer và cộng sự 1998). Plomgaard (1998) đã loại bỏ ba tác nhân truyền nhiễm (Mycoplasma hyopneumoniae, Actinobacillus pleuropneumonia và PRRSV) ra khỏi một điểm nuôi nái sinh sản/mang thai của một trang trại đa điểm ở Đan Mạch mà không cần giảm đàn. Ngày nay, các hệ thống đa điểm tiếp tục loại bỏ các tác nhân truyền nhiễm khỏi đàn nái mà không cần giảm đàn hoặc bằng cách cai sữa tách biệt. Ví dụ, Poulin và Christianson (2013) đã loại bỏ virus gây bệnh lở mồm long móng bằng cách nuôi tách biệt ở Trung Quốc.

Một số lợi ích ban đầu của Chăn nuôi đa điểm đã tiến triển và một số nhóm đã xác nhận và cải tiến nâng cao năng suất bằng cách cai sữa cách ly. Việc giảm kích thích miễn dịch do được nuôi tách biệt ảnh hưởng sâu sắc đến thành phần thân thịt, tốc độ tăng trưởng, hiệu quả sử dụng thức ăn và nhu cầu lysine (Williams và cộng sự, 1997). Crowe và cộng sự, 1996 cho rằng mức độ nội độc tố cao trong môi trường ở trại heo nái đẻ đến heo thịt xuất chuồng có thể là nguyên nhân dẫn đến năng suất kém của heo cai sữa.

Sự đánh đổi độ tuổi cai sữa để loại bỏ tác nhân lây nhiễm với năng suất, đáp ứng miễn dịch và hành vi đã được nghiên cứu rộng rãi trong 25 năm qua. Người ta xác định rằng cai sữa lúc 21 ngày tuổi là thích hợp hơn so với tuổi cai sữa sớm hơn đối với cả năng suất ở giai đoạn cai sữa và giai đoạn xuất chuồng (Main và cộng sự, 2004). Không có sự khác biệt về phản ứng sinh lý và hành vi được tìm thấy giữa cai sữa lúc 14 ngày và 21 ngày (Davis và cộng sự, 2006). Tsai và cộng sự, 2018 phát hiện việc nuôi tách biệt làm tăng sự đa dạng của vi khuẩn đường ruột và nâng cao năng suất tăng trưởng. Whiting và Pasma (2008) đã nghiên cứu các khía cạnh phúc lợi động vật của việc nuôi đa điểm và nhận thấy rằng lợi ích của việc nuôi tách biệt vượt trội hơn bất kỳ mối lo ngại nào về phúc lợi, đặc biệt nếu việc cai sữa được thực hiện từ 21 ngày tuổi trở lên.

Quản lý việc thay đàn trong hệ thống chăn nuôi đa điểm

Việc áp dụng rộng rãi các hệ thống chăn nuôi đa điểm đã tạo ra nhu cầu “quản lý nái hậu bị hiệu quả cho các mục tiêu thay đàn nhằm cải thiện năng suất suốt đời” (Williams và cộng sự 2005).

Những hậu bị cái thay đàn từ chuồng cai sữa (thường là 7-8 tuần tuổi) được chuyển đến đơn vị phát triển nái hậu bị (GDU), một khu chuồng riêng cách xa các điểm heo nái, cai sữa, cai sữa đến xuất chuồng hoặc xuất chuồng (xem Hình). Tại GDU, những hậu bị thay đàn được tiếp xúc với hệ vi sinh vật ở khu vực nái để thích nghi. Trước khi phát triển khái niệm GDU, tỷ lệ thay thế nái trong các hệ thống lớn ở Hoa Kỳ cao tới 60-70% hàng năm. Điều thú vị cần lưu ý là ở các trang trại chăn nuôi truyền thống từ khi đẻ đến xuất chuồng đều tự sản xuất hậu bị thay đàn, quá trình thích nghi diễn ra một cách tự nhiên hơn. Connor (2023) đã gợi ý rằng việc đưa heo kháng virus PRRS (Burkard, 2018) có thể dẫn đến việc tái thiết lập các trang trại khép kín từ đẻ đến xuất chuồng trên một điểm do thiếu nhân lực. GDU vẫn sẽ được khuyến khích đối với trang trại từ đẻ đến xuất chuồng nếu hậu bị thay đàn được mua từ bên ngoài.

Lọc không khí để ngăn chặn sự xâm nhập của tác nhân lây nhiễm

Spronk (2010) đã báo cáo rằng hệ thống lọc được lắp đặt ở những khu nuôi heo nái lớn (trên 300 nái) sẽ ngăn chặn sự xâm nhập của virus PRRS. Lọc không khí đã được sử dụng từ năm 1995 để ngăn chặn sự xâm nhập của các tác nhân truyền nhiễm vào trang trại đẻ đến xuất chuồng (Cariolet và cộng sự, 2000). Desrosiers và Cousin (2023) đã xem xét các phương pháp và ứng dụng khác nhau của lọc không khí, đặc biệt là ở chuồng heo đực và điểm nuôi heo nái. Cho đến nay, việc lắp đặt các hệ thống lọc ở các điểm cai sữa, cai sữa đến xuất chuồng và xuất chuồng dường như không thực tế về mặt tài chính.

Cảm tạ: Trân trọng cảm ơn những nhận xét và chỉnh sửa của Tiến sĩ Isabel Harris và Bob Glock.

Bình luận bài báo

Mục đích của phần này không phải để kham khảo ý tác giả về bài báo mà là nơi thảo luận cởi mở giữa những người dùng 333.
Để lại một bình luận mới

Quyền truy cập chỉ dành cho người dùng 333. Để bình luận bạn cần đăng nhập.

Bạn chưa đăng ký danh sách này 333 trong 3 phút

Bản tin tuần với tất cả các cập nhật trên 3tres3.com

Đăng nhập và đăng ký vào danh sách

Bạn chưa đăng ký danh sách này 333 trong 3 phút

Bản tin tuần với tất cả các cập nhật trên 3tres3.com

Đăng nhập và đăng ký vào danh sách