Những thông tin và quan niệm sai lầm về vắc-xin

Michael Rahe
17-Th4-2023 (Trước đó 1 năm 13 ngày)

Nhà soạn kịch Aristophanes người Athens đã từng viết, Chính từ kẻ thù của họ, không phải bạn bè của họ, mà các thành phố học được bài học về việc xây dựng những bức tường cao và những con tàu chiến. Mặc dù trọng tâm ban đầu của câu trích dẫn này là việc bảo vệ một thành phố-nhà nước chống lại các đối thủ của mình, nhưng nó cũng có thể áp dụng cho việc bảo vệ cơ thể chống lại bệnh truyền nhiễm. Trong một thời gian, các nhà khoa học đã nghiên cứu và học hỏi từ vi rút, vi khuẩn và ký sinh trùng để bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật tốt hơn. Chính từ lĩnh vực nghiên cứu này, vắc-xin đã được phát hiện và thông qua công việc này, vắc-xin tiếp tục được phát triển và cải thiện. Trong y học trên heo, vắc-xin là một phần không thể thiếu trong kế hoạch duy trì sức khỏe của heo. Do đó, thường có những câu hỏi xung quanh vắc-xin và sự tương tác của chúng với hệ thống miễn dịch. Bài viết này sẽ mở ra và trả lời một số câu hỏi đó bằng thông tin từ các nghiên cứu khoa học có liên quan.

Hỏi: Nhiệt độ bảo quản thích hợp đối với vắc-xin quan trọng như thế nào và trong trường hợp không bảo quản tốt trên thực địa thì mức độ thất bại của vắc-xin sẽ ra sao?

Vắc-xin thường bao gồm các vi sinh vật truyền nhiễm (vi-rút hoặc vi khuẩn) đã nhược độc (làm yếu đi), protein hoặc axit nucleic (DNA hoặc RNA), tất cả đều có thể bị bất hoạt hoặc bị phá hủy khi thay đổi nhiệt độ, ánh sáng hoặc độ pH. Bảo quản vắc- xin ở nhiệt độ thích hợp, thường được gọi là “chuỗi lạnh”, là rất quan trọng để đảm bảo tính ổn định và hiệu quả của vắc- xin. Ví dụ, một nghiên cứu năm 2011 về vi rút cúm cho thấy rằng ủ vi rút cúm ở 50oC (122o F) trong 30 phút dẫn đến giảm 100 lần vi rút truyền nhiễm (Krenn và cộng sự). Sự dao động về nhiệt độ chỉ do mở tủ lạnh nhiều lần hoặc tủ lạnh bị lỗi có thể gây bất lợi cho hiệu lực của vắc-xin. Ngoài nhiệt độ cao, việc đông lạnh có thể gây bất lợi cho độ ổn định của vắc-xin, tùy thuộc vào loại vắc-xin. Do đó, điều quan trọng là phải tham khảo và tuân theo các biện pháp phòng ngừa được liệt kê trên nhãn vắc-xin (Hình 1) và theo dõi ngày hết hạn.

Vaccine label

Rất khó để xác định mức độ thất bại của vắc-xin có thể chỉ do không duy trì nhiệt độ tối ưu, vì có nhiều nguyên nhân tiềm ẩn khiến vắc-xin thất bại bao gồm nhưng không giới hạn do: sự vấy nhiễm vi khuẩn trong lọ dùng nhiều lần, khử trùng ống tiêm hoặc kim tiêm bằng hóa chất làm bất hoạt vắc-xin hoặc tiêm vắc-xin sai đường (tiêm bắp so với uống). Điều quan trọng là phải hiểu sự khác biệt giữa thất bại vắc-xin được cảm nhận và thất bại thực tế. Một ví dụ về sự thất bại của vắc-xin được cảm nhận là khi một con vật đã bị nhiễm một tác nhân truyền nhiễm vào thời điểm chúng được tiêm vắc-xin cho chính tác nhân đó. Dịch bệnh xảy ra và vắc-xin bị đổ lỗi là không hiệu quả trong khi thực tế đơn giản là không có đủ thời gian để vắc-xin tạo ra phản ứng miễn dịch bảo vệ.

Hỏi: Có thể trộn các loại vắc-xin với nhau trong một mũi tiêm được không?

Phối hợp các loại vắc-xin không ghi nhãn để trộn với nhau không phải là một cách thực hành tốt, vì các loại vắc-xin khác nhau có sự không tương thích liên quan đến độ pH, độ hòa tan, tá dược hoặc chất bảo quản. Ngoài ra, việc pha trộn các loại vắc-xin sống nhược độc không phù hợp có thể ảnh hưởng đến khả năng sống sót của vi sinh vật trong vắc-xin. Tuy nhiên, vắc-xin kết hợp được cấp phép với các kháng nguyên hoặc tác nhân đặc hiệu cho các mầm bệnh khác nhau đã được thử nghiệm về tính tương thích và không có sự cản trở nhau.

Hỏi: Có bao nhiêu loại vắc-xin có thể được tiêm cùng lúc một cách an toàn?

Không có câu trả lời rõ ràng vì có sự khác biệt rõ rệt giữa các loại vắc-xin. Tuy nhiên, cần thận trọng khi sử dụng nhiều loại vắc-xin cùng một lúc vì chúng không được kiểm tra tính an toàn và hiệu quả cùng nhau, và do đó, không rõ các vi sinh vật, kháng nguyên và tá dược khác nhau sẽ tương tác hoặc điều chỉnh đáp ứng miễn dịch như thế nào. Nếu tiêm nhiều loại vắc-xin, nên tránh tiêm vắc-xin ở cùng một vị trí giải phẫu mà nên tiêm một loại vắc-xin vào bên trái cổ và vắc-xin kia vào bên phải cổ. Nếu điều này là không thể, nên tiêm vắc-xin tại các điểm khác nhau trong cùng một vùng giải phẫu ở cổ. Điều này có thể giúp ngăn chặn việc trộn lẫn vắc-xin trong một vị trí tiêm. Ngoài ra, bất cứ khi nào tiêm vắc-xin cho động vật, điều quan trọng là phải hiểu nơi an toàn về mặt giải phẫu để thực hiện. Ví dụ, tiêm quá gần cột sống có thể gây chèn ép hoặc tổn thương tủy sống dẫn đến tê liệt.

Hỏi: Tần suất tiêm chủng có ảnh hưởng đến phản ứng miễn dịch không?

Sau khi tiêm vắc-xin, các tế bào cụ thể trong cơ thể tạo ra các kháng thể chống lại các protein (kháng nguyên) trong vắc-xin. Các kháng thể rất quan trọng để liên kết và vô hiệu hóa mầm bệnh. Tuy nhiên, hệ thống miễn dịch cũng phát triển phản ứng ghi nhớ chống lại các kháng nguyên. Điều này bao gồm các tế bào nhớ giống như lính gác lưu thông khắp cơ thể để tìm kiếm kháng nguyên đặc hiệu của chúng. Nếu chúng tìm thấy kháng nguyên đó thì chúng sẽ sinh sôi nảy nở và nhanh chóng bắt đầu tạo ra các kháng thể giúp tăng nồng độ kháng thể lưu hành. Sự tăng cường phản ứng miễn dịch này là cách tiêm thêm vắc-xin sau liều trước đó được gọi là “mũi tiêm nhắc lại”.

Cũng giống như phản ứng kháng thể, các tế bào nhớ cần ít nhất hai tuần để phát triển sau khi tiêm vắc-xin, vì vậy nên đợi ít nhất hai tuần giữa các lần tiêm nhắc lại. Nhãn vắc-xin thường cho biết liệu có cần tiêm nhắc lại hay không; tuy nhiên, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ thú y để phát triển một quy trình tiêm phòng hiệu quả.

Hỏi: Có sự khác biệt về đáp ứng miễn dịch tùy theo vị trí tiêm vắc-xin (cổ và bắp) không? Tiêm một bên sẽ tốt hơn so với những cách tiêm khác đúng không?

Sự khác biệt về khả năng miễn dịch dựa trên vị trí tiêm được tìm thấy trong tài liệu khoa học. Cổ là vị trí được phép tiêm phòng, vì việc tiêm vắc-xin vào bắp thịt có thể gây tổn thương đến phần thịt rất giá trị của heo. Tôi không biết về bất kỳ sự khác biệt nào trong phản ứng miễn dịch đối với việc tiêm vắc-xin dựa trên việc bên nào của cổ được sử dụng để tiêm vắc-xin.

Hỏi: Cung cấp vắc-xin không dùng kim có tạo ra mức độ miễn dịch giống như tiêm bắp không?

Đã có một số nghiên cứu so sánh các phương pháp tiêm vắc-xin khác nhau và sự đồng thuận chung là không có sự khác biệt đáng kể về khả năng miễn dịch được tạo ra giữa tiêm bắp và cung cấp vắc-xin không dùng kim. Không dùng kim cũng có những lợi ích trong việc loại bỏ kim gãy và sự cố kim đâm (Chase và cộng sự, 2008).

Figure 2

Ferrari và cộng sự (2011) đã so sánh hiệu giá kháng thể trung hòa vi-rút giữa tiêm bắp (IM), tiêm trong da (ID) không dùng kim tiêm và heo đối chứng (Hình 2). Có sự khác biệt nhỏ nhưng không mang ý nghĩa thống kê về hiệu giá trung hòa giữa tiêm bắp và tiêm vắc-xin không kim trong suốt nghiên cứu. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê được thể hiện giữa hai nhóm heo được tiêm phòng và heo đối chứng chưa được tiêm phòng. Ngoài ra, lưu ý sự gia tăng nhanh chóng hiệu giá kháng thể trung hòa ở cả hai nhóm được tiêm chủng sau khi tiêm vắc-xin nhắc lại.

Hỏi: Các loại vắc-xin trong tương lai sẽ có các phương pháp cung cấp khác nhau (nước, thức ăn, khí dung)?

Các phương pháp cung cấp vắc-xin khác nhau đã được khám phá và áp dụng ở một số loài. Ở heo, nó có ý nghĩa về mặt dễ quản lý và tạo ra sự bảo vệ miễn dịch tại các vị trí giải phẫu nơi mầm bệnh lây nhiễm và gây bệnh. Ví dụ, một số mầm bệnh chỉ lây nhiễm qua đường tiêu hóa, vì vậy vắc-xin uống đã được phát triển để kích thích các tế bào miễn dịch trong đường tiêu hóa phát triển khả năng miễn dịch tại vị trí nhiễm trùng.